Đạo diễn Nguyễn Hiếu Dân và hành trình “mang phim trinh thám trở thành sự nghiệp cả đời”

(HiSaigon) – Được khán giả yêu thương và chờ đón một series phim trinh thám đã là thách thức không hề dễ dàng. Song, đạo diễn Nguyễn Hiếu Dân lại có thể gặt hái được thành công với nhiều series thuộc thể loại này. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn Hiếu Dân để có thể tìm hiểu rõ hơn những bí mật chưa được bật mí cũng như những khó khăn mà anh và ekip đã gặp phải trong quá trình thực hiện.

Mở đầu câu chuyện, đạo diễn Hiếu Dân bộc bạch điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển và chứng minh mình không hề thua kém bạn bè quốc tế. Bên cạnh việc truyền tải các thông điệp nhân văn thì hình ảnh cũng là một yếu tố quan trọng khiến cho bộ phim hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên ở giai đoạn này, các nội dung dưới dạng mì ăn liền đang phát triển khá mạnh. Bên cạnh đó là sự nở rộ của các nội dung ngắn trên các nền tảng truyền thông. Vậy thể loại phim truyền hình trinh thám mà anh đang thực hiện có gặp khó khăn gì trong việc chinh phục độc giả thời nay?

Chúng ta mở một website, đọc một tờ báo mạng, bỏ tiền ra mua một tờ tạp chí hay chúng ta vào rạp xem một bộ phim, đến sân khấu xem một vở kịch hoặc một vở cải lương thì rõ ràng trong những loại hình giải trí đó, chúng ta đều đặt tâm thế khác nhau.

Chúng ta sẽ hoàn toàn dành thời gian cũng như sự chiêm nghiệm khi lướt web, xem Tiktok, hoặc lướt Facebook của bạn bè. Sự chú ý này sẽ hoàn toàn khác khi chúng ta đọc một tạp chí hay khi chúng ta dành thời gian xem một bộ phim điện ảnh.

Vậy thì thể loại phim truyền hình trinh thám mà tôi đang thực hiện thực sự cũng giống như vậy. Khán giả đã chọn phim truyền hình trinh thám thì đồng nghĩa họ cũng sẽ dành tâm thế thời gian nhất định để theo dõi xuyên suốt 45 phút của một tập phim. Nếu thực sự bộ phim tôi làm hấp dẫn, dù có nhiều tập thì khán giả cũng sẽ đợi chờ đến giờ phát sóng để được ngồi trước màn hình mà thưởng thức. Điều đó chứng tỏ rằng, mỗi thể loại phim đều có nhu cầu khán giả khác nhau.

Vậy ở khía cạnh chinh phục khán giả, theo tôi chỉ có 2 yếu tố: hấp dẫn và bổ ích. 

Một sản phẩm tạo ra phải tổng hoà được 2 yếu tố đó. Nếu hấp dẫn mà không bổ ích thì khi xem khán giả sẽ không đọng lại được điều gì hết. Còn ngược lại, nếu bổ ích nhưng không hấp dẫn thì rõ ràng khán giả sẽ chuyển kênh ngay.      

Giữa việc tiếp tục duy trì các series phim có nội dung, thông điệp và việc chạy theo thị hiếu của khán giả thì anh nghĩ như thế nào?

Cá nhân chúng ta đều sẽ có những thị hiếu khác nhau. Do đó, mỗi nhóm khán giả, mỗi độ tuổi, mỗi thời gian phát sóng đều có những đối tượng mục tiêu khác nhau. 

Khi thực hiện các series phim, tôi đều hỏi trước các nhà đầu tư là: “Phim này phục vụ đối tượng nào?”, “Phát sóng vào khung giờ nào?”, “Ai là người xem?”, “Vùng miền nào sẽ thưởng thức cái tác phẩm đó?”… Thông qua những phân loại đối tượng đó, tôi sẽ dự đoán trước thị hiếu khán giả trong cái mục tiêu đó sẽ gồm những ai và những nội dung gì. Khi phim lên sóng, chúng tôi rất rất mong nhận được những đóng góp ý kiến của khán giả để thị hiếu của mình luôn luôn đáp ứng được nhu cầu của người xem.

Làm thế nào để dung hòa được đam mê thể loại trinh thám nhưng vẫn khiến cho đứa con tinh thần của mình ‘hòa nhập’ với thị trường phim ảnh hiện tại?

Thực ra, một trong những lý do mà tôi thích thể loại trinh thám này là vì tôi xác định được “con người là cốt lõi của xã hội”. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy bề ngoài của trinh thám là đi tìm lời giải cho câu hỏi “Ai mới chính là hung thủ?”. Nhưng để tìm được đáp án này, chúng ta sẽ phải đi rất sâu vào các mối quan hệ, tính cách của nạn nhân, cùng với các đối tượng tình nghi. 

Nói cách khác, thể loại trinh thám theo tôi là giải mã hành vi và tính cách con người. Như các bạn cũng biết, trong thời đại 4.0, mối quan hệ giữa người với người ngày càng rời rạc hơn, nhiều ẩn khuất hơn,… đặc biệt là sự thật sẽ được che đậy nhiều hơn, con người cũng vì thế mà ít chạm vào trái tim của nhau hơn

Thực sự là khi chọn thể loại trinh thám, bên cạnh sự đam mê, tôi còn mong muốn khán giả sẽ được mở rộng kiến thức về tâm lý học. Từ những tình tiết của bộ phim, chúng ta sẽ cùng nhau giải đố. Trên tất cả, là tìm ra cách giải mã thời đại, có cái nhìn sâu hơn về con người trong cuộc sống này. 

Trong suốt quá trình làm phim, tôi luôn tự hỏi “thông điệp xuyên suốt là gì?” – chắc chắn là vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Được biết, trước đây anh từng là nhà báo. Cơ duyên nào khiến anh quyết định rẽ hướng sang làm biên kịch? Cơ duyên này có tạo ra cho anh những thuận lợi hay khó khăn gì không ạ?

Trước đây tôi từng cộng tác và làm việc tại báo Thanh Niên, báo Thể thao Thành phố (báo Thể thao ngày nay) và một trong các chuyên mục sở trường của tôi là bình luận viên và phóng viên thể thao. 

Thực sự là từ nhỏ tôi có sở thích rất là đặc biệt với truyện trinh thám cũng như là thường xuyên đi coi kịch và coi phim. Nói chung là bản thân mình rất đam mê nghệ thuật thứ 6 và thứ 7 là sân khấu và điện ảnh. 

Thực ra, nếu như trả lời cho câu hỏi “nhà báo là ai?” thì câu trả lời chính là người kể chuyện và đưa tin về xã hội. Nếu phân tích kỹ, giữa nhà báo và biên kịch có rất nhiều điểm tương đồng với nhau: là những người truyền tải thông tin đến với mọi người thông qua những diễn biến ở thời đại. 

Chính vì vậy, tôi cảm thấy không có quá nhiều trở ngại khi chuyển hướng từ nhà báo sang làm biên kịch. Sau này, từ cái đam mê điện ảnh, tôi cũng từng bước thử sức với vai trò làm đạo diễn của những tác phẩm đầu tiên là do chính mình biên kịch. 

Việc rẽ sang một hướng mới là do tôi muốn thử thách và làm mới bản thân mình.  Thực sự, sau khi đặt ra mục tiêu mới cho bản thân, tôi nhận được thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Khó khăn ở đây chỉ là cách mình tiếp cận lĩnh vực này như thế nào cho đúng thôi. 

Rõ ràng, điểm giống nhau giữa làm báo và biên kịch là vai trò và tư duy của bản thân. Còn sự khác nhau nằm ở phương pháp tiếp cận vấn đề. Nếu như ở lĩnh vực báo chí, những chi tiết đắt giá của vấn đề sẽ được thể hiện thông qua ngòi bút, thì đối với nghề đạo diễn hay biên kịch thì việc kể chuyện bằng tư duy hình ảnh là điều đầu tiên mà chúng ta phải nghĩ đến.

Làm nghề này đòi hỏi phải giữ cái đầu lạnh, vậy những sản phẩm đầu tiên của anh có bị “Ném đá” không?

Tôi cũng xin được rạch ròi 2 cái ý nghĩa “Ném đá” theo nghĩa đen và theo nghĩa bóng. 

Với những cái “Ném đá” theo nghĩa đen, chắc là nên nghĩ đến kiểu bình luận tiêu cực, ghét thương thấy rõ. Những phản ứng trái chiều nhắm vào ekip mình với mục đích không tốt đẹp thì thực sự tôi không quan tâm. Nhưng “Ném đá” theo góc nhìn tích cực, nghĩa là những lời góp ý chân thành, thì ở bất kỳ sản phẩm nào chúng tôi cũng đều mong muốn được ném đá. 

Bởi vì, nếu khán giả thương khán giả mới xem, thương mới đưa ra những lời bình luận để sản phẩm của mình ngày một tốt hơn.

Người ta thường nói vì làm nghề mà kết bạn, cũng làm nghề mà mất bạn. Vậy có khi nào trong quá trình làm việc xảy ra mâu thuẫn mà anh đánh mất những cộng sự của mình hay không?

Tôi rất thích một cái câu thành ngữ tiếng Anh là “No pain no gain” – “Không đớn đau là không gặt hái được thành công”.

Nói về nghĩa đen nghĩa là ví dụ chúng ta muốn thành công trong lĩnh vực thể thao thì chúng ta phải luyện tập đổ mồ hôi sôi nước mắt, thì trong lĩnh vực làm nghệ thuật chúng ta cũng phải có những đánh đổi. 

Rộng ra hơn thì “No pain no gain” ở đây cũng là “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Những mâu thuẫn này chúng tôi chấp nhận phải xảy ra, nếu như cả ekip cùng hướng về một mục đích chung đó là làm cho sản phẩm tốt nhất trong khả năng của từng người và dĩ nhiên trong quá trình mọi người đưa ra ý kiến riêng thì chắc chắn là có mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn ở dạng này tôi rất mong muốn xảy ra để sản phẩm mình được tốt hơn. 

Còn thực sự đã xảy ra những mâu thuẫn mà đánh mất luôn cả những cộng sự thì đó là điều đáng tiếc. Bởi vì khi mà chúng ta không tìm được tiếng nói chung thì đồng nghĩa cái chuyện mà đánh mất những mối quan hệ với nhau cũng là bình thường

Thể loại phim nào là thế mạnh của anh? Và làm cách nào để anh phát triển thể loại đó?

Như đã chia sẻ với mọi người từ đầu, tôi sự thích trinh thám từ nhỏ. Nếu như chuyện mình đọc sách, xem phim được ví như đang giải phương trình thì thám tử hay công an ta cũng ví von như những nhà toán học, hung thủ thì chính là ẩn số. Còn cái chết, tử thi, nạn nhân, cùng với các mối quan hệ khác chính là các tham số hoặc là biến số. Từ đó, việc vạch trần hung thủ chính cũng giống như ta thành công tìm ra ẩn số thành công. Tôi vẫn thường ví von là nạn nhân tự tử nó giống như phương trình vô nghiệm.

Vòng vo một chút để chúng ta cũng thấy rằng, để thực sự thưởng thức thể loại trinh thám nó không quá nặng nề hay ám ảnh người xem vấn đề là ekip sản xuất phải biết chọn cách thể hiện và chuyển hoá người xem đi vào quy trình giải toán một cách rất là tinh tế. Thực ra hack não người xem là nghệ thuật thử thách mà tôi lúc nào cũng muốn được thể hiện. Rõ ràng là thể loại trinh thám hấp dẫn và nó tổng hoà rất nhiều thể loại khác nhau.

Tôi thích trinh thám và tôi muốn thử thách nhiều thể loại khác nhau mà thực ra đạo diễn nào cũng không muốn đóng khung mình trong một thể loại cả và các bạn cũng thấy là tôi rất là may mắn và như vừa rồi là tôi chứng minh trinh thám nó tổng hoà rất nhiều thể loại khác nhau cốt lõi như đã phân tích thì để tìm ra hung thủ, chúng ta phải đi vào bản chất của tội ác, bản chất quan trọng nhất vẫn là bản chất của con người. Và để tổng hoạ được những điều đó, để giải mã nhân sinh quan của xã hội, thì trinh thám là một trong những thể loại tôi cho rằng tối ưu để thể hiện được điều đó.

Có một câu hỏi mà tôi rất thích là thể hiện trinh thám thế nào để không ảnh hưởng tiêu cực hay ám ảnh đến khán giả? Thì như đã nói chúng ta cứ coi nó như là một việc giải toán, một chuyện hack não rất là thú vị. Mà thú thật, hiện nay là tôi đang viết một format trinh thám hài, nơi mà tội ác và cách phá án sẽ được nhìn nhận dưới một lăng kính nhẹ nhàng, dí dỏm và đúng là nó đỡ ám ảnh hơn qua sự hài hước. Mặc dù tôi vẫn thường nói là đỉnh cao của hài kịch là bi kịch. chắc chắn nó cũng sẽ có những cái mất mát, drama và nước mắt. 

Và một format nữa tôi cũng đang ấp ủ là format trinh thám tương tác, nghĩa là chúng tôi sẽ quay rất nhiều option và mỗi option nó sẽ đi theo lựa chọn của khán giả cho những hoạt động của thám tử hoặc điều tra viên, ví dụ thám tử hoặc điều tra viên trước những tình huống đó sẽ có nhiều lựa chọn, thì tôi đều quay những cái lựa chọn đó và mỗi lựa chọn đó sẽ dẫn dắt hành động, tình huống và những câu chuyện tiếp theo. Thì đây là  thể loại format trinh thám tương tác mà tôi đang cố gắn xây dựng.

Thường thì đã là 1 nhà làm phim thì phải có nhiều ý tưởng cho phim, vậy có khi nào anh bị cạn kiệt ý tưởng không? Nếu có thì anh giải quyết như thế nào?

Theo tôi, chúng ta sẽ cạn kiệt ý tưởng khi chúng ta không còn đam mê nữa. Đã đam mê sẽ không cạn kiệt ý tưởng bởi vì ý tưởng có ở khắp mọi nơi. Khi cạn ý tưởng, nếu còn đam mê, bạn sẽ có thể đọc một cuốn sách, có thể xem một tờ báo, có thể ra ngoài gặp bạn bè, uống một ly cafe, nhìn đường phố, đến một bệnh viện, đến một trại tạm giam, chúng ta có rất nhiều ý tưởng trong xã hội này, vấn đề là bạn còn đam mê để bạn khám phá những ý tưởng mới mẻ cho mình nữa hay không. 

Việc xây dựng và tìm kiếm bối cảnh sẽ cần nhiều thời gian và nhân lực, điều này có ảnh hưởng đến tiến độ hay gây cho anh những cản trở nào không?

Theo tôi không có thể loại nào nhàm chán, đơn điệu hết mà nhàm chán, đơn điệu là lỗi của đạo diễn đầu tiên, với tôi thể loại trinh thám là nó hay sẵn rồi bởi hoạ đủ các yếu tố kịch tính, hack não, mập mợ sự thật, cung cấp rất nhiều kiến thức trong nhân sinh quan và tuỳ từng bối cảnh, diễn viên, vụ án cụ thể, tôi sẽ thể hiện nhiều cách khác nhau nhưng cố gắng đảm bảo các yếu tố lời thoại là đắt giá, tình tiếc logic, gây cấn, thần thái diễn viên chính xác, tâm lý, hành động, hình ảnh phải logic với nội dung và góc máy phù hợp.

Bối cảnh là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng của thể loại trinh thám, bởi vì chúng ta cũng biết là phim trinh thám có một đặt điểm là chúng ta sẽ nhìn vào các nhân vật có xuất phát điểm như thế nào để từ đó người điều tra viên hoặc thám tử sẽ suy luận những hành động được che giấu bên trong.

 Và rõ ràng với điều kiện sản xuất, với kinh phí hiện có trước một cái kịch bản chúng tôi đều coi kỹ bối cảnh như thế nào là nó sẽ phù hợp với nhân vật này nhất, phù hợp với yêu cầu của kịch bản nhất, thì thường là chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo được các yếu tố bối cảnh phải phù hợp tầm 60 – 70% yêu cầu của kịch bản trong điều kiện sản xuất hiện nay thì điều đó đã là đạt yêu cầu rồi. 

Chính bối cảnh là điểm nhấn, thể hiện xuất phát điểm của các nhân vật trinh thám mà không có một lời thoại nào có thể diễn đạt được và trong điều kiện sản xuất hiện nay chúng tôi xin nhắc lại là sẽ cố gắng đạt được 60 – 70% yêu cầu của kịch bản và bối cảnh đảm bảo cho khán giả có cái nhìn chân thật nhất về xuất phát điểm của các nhân vật trong vụ án đó. 

Trong quá trình làm nghề, kỷ niệm hay sản phẩm nào đáng nhớ nhất đối với anh?

Trong các dòng series trinh thám, mà SaigonTV đã sản xuất như là: Lần theo dấu vết, Hồ sơ trinh thám, Biệt đội thám tử, Đội trọng án, Kẻ thủ ác, Truy tìm bằng chứng… thì thực sự là tôi ấn tượng với series Lần theo dấu vết. 

Điều ấn tượng nhất của tôi thì Lần theo dấu vết là series đầu tiên chúng tôi thực hiện về thể loại trinh thám. Thời điểm đó, chúng tôi làm phim tái hiện chứ chưa phải là phim trinh thám như bây giờ. Dựa vào những vụ án có thật, qua lời kể của các chiến sĩ đội cảnh sát hình sự, các chiến sĩ của phòng kỹ thuật hình sự của công an các tỉnh thành thì chúng tôi đã được học hỏi rất nhiều. 

Khi đến các tỉnh thành, chúng tôi đã được các chiến sĩ công an nhân dân giới thiệu nhiều vụ án, nghe họ tâm sự, kể về quá trình phá án. Thông qua những cuộc trò chuyện đó, chúng tôi học hỏi được rất nhiều công tác nghiệp vụ của họ. Đúng nghĩa hơn, trong quá trình sản xuất Lần theo dấu vết, chúng tôi được tiếp cận và học hỏi những cách phá án để từ đó sản phẩm của mình được tạo ra một cách chân thật nhất và phản ánh đúng hiện thực xã hội.

Có ý kiến cho rằng tư duy của người Việt thiếu logic, mà các thể loại trinh thám đòi hỏi lý tính rất nhiều. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

Thể loại trinh thám đòi hỏi lý tính rất nhiều, điều này đúng. Còn ý kiến cho rằng tư duy của người Việt thiếu logic thì tôi chưa nghe. Trước đây, có một nhà tuyển dụng nước ngoài đã từng nhận xét với tôi là các học sinh Việt Nam thiếu tư duy phản biện nhưng tính logic rất cao. Tôi nghĩ rằng tính logic cao hay thấp là tuỳ vào lĩnh vực hoạt động hoặc con người. 

Có một cái chi tiết mà tôi muốn nhấn mạnh là khi viết một kịch bản, ngoài chuyện tham khảo các tác phẩm nước ngoài, các vụ án thật tại Việt Nam hay là các vụ án trên thế giới thì tôi hay đi gặp những bạn là sinh viên khoa toán nói chung. Là những người trong lĩnh vực tự nhiên, phải nói rằng các bạn đó có tính logic rất cao, nên có thể xâu chuỗi tình tiết,lời thoại cũng như đặt ra các câu nói cực kỳ là thuyết phục. 

Phải nói rằng các bạn thiên về ngành tự nhiên là một trong những nhóm người mà tôi thấy rằng dự đoán rất là chính xác các hung thủ khi mà họ đọc một tác phẩm hoặc họ xem các thể loại phim trinh thám. 

Theo anh, sự xuất hiện của Kẻ thủ ác, Lần theo dấu vết cũng như những bộ phim khác cùng thể loại này có tạo ra “cú hích” cho phim trinh thám Việt?

Mỗi sản phẩm trinh thám sẽ góp phần làm cho dòng phim này của Việt Nam thêm đa sắc màu và phong phú. Các sản phẩm ra đời từ chính những sự cạnh tranh đó sẽ tạo ra sự đa sắc màu, phong phú hoá và chất lượng của phim trinh thám Việt sẽ ngày càng đi lên.  

Hiện nay, nghề đạo diễn cũng khá được nhiều bạn trẻ đam mê và muốn theo đuổi? Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ không?

Thực ra với tôi thì đạo diễn là một nghề sáng tạo nghệ thuật, nó đầy thú vị và thử thách. Bất cứ ngành nghề nào, nếu có đam mê cộng tính kỷ luật thì bạn sẽ thành công. Hãy cứ theo đuổi đam mê vì thành công sẽ theo đuổi bạn. 

Có một sự thật là nếu bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc và trang bị cho bản thân đủ đầy đam mê trong hành trình chinh phục những mục tiêu trong tương lai thì chắc chắn thành công là kết quả mà bạn sẽ gặt hái được.  

Xin cảm ơn Đạo diễn Nguyễn Hiếu Dân đã chia sẻ!