Làm không phải để ghi danh và cũng không làm khi trong lòng không thích, đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum dốc sức cho dự án phim về “Văn hóa Nam Bộ” như món nợ duyên nghiệp đời mình
Đạo diễn điện ảnh NSƯT Hồ Ngọc Xum đang dồn sức cho dự án phim “Văn hóa Nam Bộ” và quyển sách để đời của ông “Duyên và nghiệp”. Ông nói: “Bộ phim như một món nợ của duyên và nghiệp”. Nó ám ảnh, thôi thúc ông từng giờ.
“Làm vì sẽ không còn kịp”
Ông nói miền Tây đang ngập mặn khiến đôi chân ông không biết mỏi, cứ đi, để tìm bối cảnh cho dự án mà ông nói: “Đã đến lúc phải làm vì sẽ không còn kịp”. Tháng trước, ông về vùng Bảy Núi (An Giang), leo lên đồi Tức Dụp nhìn những cánh đồng khô cằn, ông ứa nước mắt. Văn hóa Nam Bộ cứ thôi thúc ông đi và tìm cho ra bản lề của cánh cửa mà ông muốn lý giải qua tác phẩm này, chính là đời sống tâm linh.
“Đó là một hình thức đặc biệt của ý thức con người và ý thức xã hội. Đã có những khuynh hướng sai lầm về vấn đề này: hoặc là tuyệt đối hóa vai trò của đời sống tâm linh, hoặc là đồng nhất đời sống tâm linh với chủ nghĩa duy tâm, với mê tín dị đoan. Tôi lý giải cách khác trong phim của mình, đó là nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người, đồng thời là một trong những cách để con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn và trên hết là có trách nhiệm với môi trường”.
Theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, con người Nam Bộ từ bao đời đã biết cách lọc bỏ những yếu tố có màu sắc thần bí và mê tín dị đoan, để hướng tâm hồn mình đến phần tinh túy, trong sáng nhất của đời sống tâm linh, góp phần tạo ra những giá trị văn hóa đầy bản sắc và chứa đựng ý nghĩa nhân văn. “Trải qua bao thế kỷ thăng trầm, đời sống tâm linh của người Việt ở Nam Bộ vẫn ẩn hiện đâu đó những giá trị diệu kỳ” – đạo diễn ghi dấu ấn qua dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bày tỏ.
Vốn học triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, từng làm phu khuân vác trên bến dưới thuyền và làm tất cả mọi việc để có thể nuôi sống bản thân và đi học nên ông hiểu sức sống của thế giới tâm linh xuất phát từ những khía cạnh mang ý nghĩa tích cực nội tại. Đó chính là những giá trị văn hóa sâu xa, ẩn chứa sau bức màn tâm linh sâu thẳm mà qua từng tập phim ông làm, sẽ giải mã niềm tin tôn giáo với hình ảnh những ngôi chùa tại Nam Bộ.
“Hướng về thế giới tâm linh không những là nhu cầu mà dường như còn là một cách giúp con người sống lương thiện hơn. Nhất là giai đoạn hiện nay, phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tài nguyên, đất đai cạn kiệt chính là do con người tàn phá” – ông nói đầy trăn trở.
Duyên và nghiệp
NSƯT Phi Điểu nhận xét về đạo diễn Hồ Ngọc Xum: “Sống trọn vẹn với nghề, nên các nhân vật của Hồ Ngọc Xum luôn giữ được tính hồn hậu, hào sảng, chân thành, nhân ái. Suốt chặng đường anh qua, đều đặn mỗi năm một bộ phim, thậm chí có năm 3 phim nhận giải thưởng điện ảnh, truyền hình và để lại những dấu ấn, phong cách riêng biệt. Miền Tây Nam Bộ là miền đất ruột thịt trong trái tim Hồ Ngọc Xum”.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum xem miền Tây Nam Bộ là máu thịt, còn vì quê ông ở An Giang. NSƯT Hồ Ngọc Xum nói ông thích chuyển thể văn học Nam Bộ để làm phim cũng có duyên nợ. Món nợ lớn nhất mà ông phải trả là tạo ra nhiều tác phẩm có ích cho công chúng. Sau này khi làm phim truyền hình, ông có điều kiện khai thác dòng văn học Nam Bộ chuyển thể thành phim và rất thành công, tạo thành phong cách của Hồ Ngọc Xum. Văn hóa Nam Bộ xưa và nay được ông tái hiện trong phim sinh động và giàu cảm xúc.
Bên cạnh dự án phim “Văn hóa Nam Bộ”, đạo diễn Hồ Ngọc Xum đã hoàn thành bản thảo quyển sách “Duyên và nghiệp”. Đó vừa như là hồi ký, vừa như giáo trình giảng dạy, chia sẻ với những người trẻ mê nghề đạo diễn. Bởi, bản thân ông đi dạy học, trao truyền kiến thức cho nhiều đạo diễn trẻ, những đúc kết của 45 năm sống với nghề, từ một diễn viên cho đến phó đạo diễn, rồi đạo diễn là những trải nghiệm có ích.
“Trong cuốn quyển sách “Duyên và nghiệp”, tôi gửi vào đó nhiều thông điệp để những người trẻ hiểu hơn về giá trị nghề đạo diễn và những định mệnh sẽ khiến người làm nghệ thuật chạm đến duyên, đến nghiệp và để gắn kết hai yếu tố đó lại, chính là tác phẩm được công chúng đón nhận, đồng nghiệp tin yêu”.
Nghề chọn người
Cha mất sớm, ông phải tự lực mưu sinh. “Chính ông nội của tôi kỳ vọng sau này cháu sẽ thành bác sĩ, một nghề cứu người và cũng dễ nuôi mình. Nhưng lớn lên, tôi chọn nghề khác. Đó là cuối năm 1977, Xí nghiệp phim Tổng hợp TP HCM liên hệ với Trường Đại học Tổng hợp TP HCM nơi tôi theo học Khoa Ngữ văn chọn lựa một số sinh viên vừa tốt nghiệp để đào tạo lực lượng biên kịch và đạo diễn kế cận, tôi dự tuyển và được chọn. Duyên và nghiệp chính là ở nghề chọn tôi, chứ không phải tôi chọn nghề” – đạo diễn Hồ Ngọc Xum tâm sự.
Hồ Ngọc Xum từng làm trợ lý đạo diễn qua các phim: “Ngọn lửa K’rung” (đạo diễn: Lê Hoàng Hoa), “Đứa con bị từ chối” (đạo diễn: Lê Dân), “Vùng gió xoáy” (đạo diễn: Hồng Sến), “Ván bài lật ngửa” tập 1 (đạo diễn: Lê Hoàng Hoa)… rồi phó đạo diễn phim “Hòn đất” (đạo diễn: Hồng Sến) và đảm trách vai trò đạo diễn sau khi tu nghiệp Khoa Đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Các phim ông từng đạo diễn: “Mảnh tình nghiệt ngã”, “Lệnh truy nã 2”, “Tình yêu vực thẳm”, “Cô bé mộng mơ”, “Yêu nàng hoa hậu”, “Tha lỗi cho anh” (“Vị đắng tình yêu” 3), “Ngọn cỏ gió đùa”, “Con nhà nghèo”, “Nợ đời”, “Duyên định kim tiền”, “Hai lúa”… và hiện đang làm phim “Sui gia đại chiến”.
Nguồn: Thanh Hiệp/ Người Lao Động